Ở khâu xuất khẩu của Việt Nam, Báo cáo cho thấy các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn chủ yếu thuộc nhóm gỗ nguyên liệu, trong đó dăm gỗ và các loại ván chiếm trên 90% trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này. Tại khâu này, mặt hàng ván bóc đang có những tín hiệu rủi ro gian lận về giá xuất khẩu. Tại khâu nhập khẩu, gỗ dán, gỗ ghép, ván bóc, ván lạng, đồ nội thất và ghế ngồi là các nhóm mặt hàng chính, với kim ngạch nhập khẩu của các mặt hàng này chiếm trên 90% trong tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc vào Việt Nam mỗi năm. Trong khâu này, một số mặt hàng, bao gồm gỗ dán, tủ bếp và ghế ngồi có tốc độ tăng trưởng về kim ngạch nhập khẩu rất lớn Rủi ro về gian lận thương mại xảy ra khi Việt Nam được sử dụng là địa chỉ trung chuyển giúp đồ gỗ từ Trung Quốc tiếp cận với các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ, có mức thuế cao được áp dụng đối với đồ gỗ nguồn gốc từ Trung Quốc. Do đó các cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý nhằm minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ của ngành gỗ Việt Nam, trong bối cảnh ngành gỗ Việt Nam đang bị các cơ quan Mỹ điều tra về nguồn gốc xuất xứ gỗ và sản phẩm gỗ xuất sang nước này. Ngành gỗ Việt Nam mở rộng trong bối cảnh nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu chế biến phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Hiện Chính phủ đang thực hiện lệnh đóng cửa rừng tự nhiên. Nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước chủ yếu là nguồn rừng trồng, bao gồm khai thác gỗ rừng sản xuất khoảng 32 triệu m3 (rừng sản xuất tập trung 21,5 triệu m3; khai thác cây trồng phân tán, gỗ vườn nhà 5,5 triệu m3; gỗ cao su 5 triệu m3. Tuy nhiên, hầu hết (60-70%) lượng gỗ keo rừng trồng là gỗ nhỏ, được đưa vào nguyên liệu đầu vào sản xuất dăm, viên nén và một số loại ván. Phần nguyên liệu còn lại là gỗ lớn, được đưa vào chế biến các mặt hàng đồ gỗ như đồ gỗ văn phòng, phòng ngủ chủ yếu để phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước không đủ cung cấp cho chế biến. Điều này dẫn đến kết quả là gỗ nhập khẩu hiện đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành gỗ. Hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 4-5 triệu m3 gỗ quy tròn. Lượng gỗ này được đưa vào chế biến thành các sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Lượng nhập khẩu ngày càng có xu hướng tăng. Gỗ nhiệt đới, hay còn gọi là gỗ rừng tự nhiên, có nguồn gốc nhập khẩu hiện trở thành một hợp phần quan trọng của ngành gỗ. Bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 2-2,5 triệu m3 gỗ tròn và xẻ quy tròn là gỗ nhiệt đới. Lượng nhập từ nguồn này chiếm khoảng 40-50% trong tổng lượng gỗ nhập vào Việt Nam từ tất cả các nguồn. Nguồn cung và các loài gỗ đa dạng với trên dưới 100 quốc gia và vùng lãnh thổ và gần 200 loài được nhập khẩu mỗi năm. Gỗ từ nguồn này được đưa vào chế biến và chủ yếu được sử dụng tiêu dùng nội địa. Các sản phẩm phổ biến nhất bao gồm bàn, ghế, giường, tủ, đồ thờ cúng, công trình xây dựng. Chính phủ Việt Nam cam kết loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung. Cam kết này thể hiện qua Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA FLEGT được Chính phủ Việt Nam và EU ký kết năm 2019. Hiệp định nêu rõ các yêu cầu về tính pháp lý của các mặt hàng gỗ xuất khẩu giống như các yêu cầu đối với các mặt hàng tiêu thụ nội địa. Nói cách khác, Chính phủ Việt Nam không phân biệt đối xử đối với các mặt hàng phục vụ các thị trường khác nhau về các yêu cầu pháp lý về sản phẩm. Để triển khai các cam kết trong VPA, Việt Nam ban hành Nghị định 102/2020-NĐ-CP vào tháng 9 năm 2020 quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (hay còn gọi là nghị định VNTLAS). Kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu là một trong những nội dung trọng tâm của Hiệp định. Gỗ rủi ro nhập khẩu được kiểm soát thông qua “bộ lọc” về loài rủi ro và vùng địa lý rủi ro, theo đó các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ rủi ro vào Việt Nam cần đưa ra các bằng chứng nhằm minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ. Hiện nay, ngành gỗ có khoảng 5.300 doanh nghiệp, sử dụng trên 700.000 lao động; ngoài ra còn có hàng vạn lao động ở trong các làng nghề gỗ trên phạm vi cả nước. Đây là nguồn lực quan trọng trong sản xuất, qua đó giúp cho ngành gỗ đạt mục tiêu xuất khẩu trên 15 tỷ USD năm 2021 và 20 tỷ USD vào năm 2025. Thực hiện chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID, nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) thay mặt cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ đề nghị Thủ tướng chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ được tiếp cận, đặt mua khoảng 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ nguồn kinh phí do các doanh nghiệp trong ngành đóng góp và từ các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác. Theo kế hoạch của ngành gỗ, lượng vaccine kể trên sẽ được ưu tiên cho các doanh nghiệp chế biến gỗ trong các khu công nghiệp, khu vực tập trung đông người lao động, đặc biệt là tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định, TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội là những địa phương có nhiều doanh nghiệp có quy mô lao động trên 1.000 người. Việc quản lý, sử dụng và tiêm phòng vaccine cho người lao động sẽ được thực hiện theo đúng quy định của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 và của các cơ quan chuyên môn. Nguồn: Sưu tầm Trân trọng, Fomex Group