Trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU vẫn tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, sang tháng 8/2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU giảm tốc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dự báo, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU trong nửa cuối năm 2021 giảm từ 10 đến 12% so với nửa đầu năm 2021. 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu gỗ tần bì nguyên liệu của Việt Nam từ EU và Mỹ giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong khi đó nhập khẩu từ Trung Quốc, Hồng Kông, Canada tăng. Nhập khẩu gỗ tần bì từ thị trường EU lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2021, chiếm 91,5% tổng lượng nhập khẩu, đạt 262,8 nghìn m³, trị giá 60,4 triệu USD, giảm 7,3% về lượng và tăng 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhập khẩu từ một số nước thuộc khối EU giảm như: từ Đức giảm 19,2%; Hà Lan giảm 55%; Slovenia giảm 10,3%; Croatia giảm 30,1%... về lượng so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu gỗ tần bì từ thị trường Mỹ giảm 75,4% về lượng và 60,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 10,2 nghìn m³, trị giá 4,2 triệu USD. Trái lại, nhập khẩu mặt hàng này từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh 1.141,7% về lượng và tăng 527,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 5,9 nghìn m³, trị giá 911 nghìn USD. Ngoài ra, nhập khẩu gỗ tần bì từ Hồng Kông tăng 1.561,2% và từ Canada tăng 148,1% về lượng so với cùng kỳ năm 2020, đạt lần lượt 3,2 nghìn m³ và 743 m³. Giá nhập khẩu gỗ tần bì trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 235,7 USD/m³, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân gỗ tần bì từ EU đạt 230 USD/m³, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2020; từ Hồng Kông tăng 8,1%, lên 193,6 USD/m³; từ Canada tăng 14%, lên 526,7 USD/m³. Chiều ngày 16/9, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức ra mắt Nền tảng đào tạo trực tuyến về trách nhiệm giải trình trong nhập khẩu gỗ tại Việt Nam. Nền tảng đào tạo trực tuyến này được xây dựng trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ thực hiện Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) tại Việt Nam” do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế CHLB Đức (BMZ) uỷ thác với sự đồng tài trợ của Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh. Tại nền tảng đào tạo này, các kiến thức cơ bản về nguyên tắc thực hiện trách nhiệm giải trình và cách áp dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gỗ thông qua các bài giảng chi tiết được thiết kế tỉ mỉ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và các bài tập thực hành, được xây dựng dựa trên các trường hợp thực tế và nội dung Hiệp định VPA/FLEGT được các chuyên gia truyền tải tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ nhiệt đới ở Việt Nam. Nguồn: goviet.org.vn & congthuong.vn Trân trọng, Fomex Group.